Friday, February 12, 2016

Chuyện ăn

Mình còn chưa viết được chuyện ăn của nàng từ đầu, nhưng thôi, viết chuyện hôm nay đã.

Hôm nay mình bật mẹ chồng luôn. Đến khổ. Các ông các bà cứ lo con kia đói. Vâng. Mấy ngày tết nhất ăn uống giờ giấc linh tinh, ăn vặt tràn lan đâm con kia nó vào bữa không ăn. Vâng. Bà thì cứ nhai đi nhai lại "nó đói" mí lị "cho nó ăn". Bố khỉ. Nó không ăn ý chứ.

Hôm nay nó vớ được cái bát lúc nó đói nó đi xin ăn hẳn hoi, ăn cơm không hẳn hoi. Vậy đó.

Mình quan điểm không ép ăn. Đói thì ăn. Ngon thì ăn. Muốn ăn thì ăn.
Con bé được quyền không ăn nếu nó không thích. Mình có khi nấu không hợp khẩu vị nó, nó cũng không ăn đâu.

Đương nhiên trong một gia đình thì việc ngồi với nhau bên mâm cơm cũng có ý nghĩa của nó. Nhưng bắt ép chỉ khổ thân nhau. Có hiểu, có yêu thương mới tự nguyện vui vẻ mà làm. Chứ vì trách nhiệm, mệt lắm. Nhưng mà cái này mong là lớn nó sẽ biết vậy.
Giờ vẫn đang cố học yêu thương đúng cách

Wednesday, February 3, 2016

Bạn có muốn con bạn biết nghe lời?

Dạo này toàn sử dụng điện thoại nên thật tình khó viết dài.

Bảo sao kiểu stt facebook, Twitter khá thịnh.

Mình cũng viết bài ngắn thôi.
______
Những câu hỏi không biết hỏi ai. Có nên up lên facebook cho bàn dân thiên hạ cho ý kiến, đặng câu view ko? 😂
_
Bạn có muốn con bạn biết nghe lời?
Một đứa trẻ biết nghe lời là một đứa trẻ ngoan?
Bạn có chắc những gì mình nói và làm với con là đúng không mà bắt nó nghe theo?
_
Mình thì không chắc là mình đúng.

Wednesday, August 5, 2015

15.08.06 Chuyện kinh dị

Chiều đi chơi về, ăn xong, chuẩn bị tắm thì mình cởi bỉm cho nàng ấy tí cho thoáng.

1. Trong lúc đó thì nàng đứng trong cũi tè ra thành giường. Thấy bãi nước đọng lại nàng tò mò nhúng tay vào chấm và ............đưa lên miệng nếm. Cái mặt nhăn lại thấy ghê mà còn thò tay ra nhúng tiếp. Con mẹ lau rồi T__T

2. Nàng ngồi lên cái mũ, ị đùn ra mũ, con mẹ không biết, thấy nàng cầm mũ huơ huơ, cười toe toét rất hí hửng. Một lúc sau mình nhặt cái mũ ra mới biết. Kinh :((

Monday, July 20, 2015

Rụng tóc sau đầu

Con mình bị rụng tóc sau đầu, gần như hói sọi luôn :))) Thực ra từ trước đã tâm niệm chẳng có chuyện gì đâu vì mình bổ sung vit D ngay từ khi mới sinh. Một phần vì sinh mùa đông, ít ra ngoài được, một phần vì cũng nghe khuyến cáo không nên tắm nắng cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi (vì làn da mỏng manh nhạy cảm của bé không nên được phơi trực tiếp dưới tia tử ngoại). Nhưng dạo này đang hết vit D, mà mọi người xung quanh nói nhiều quá nên mình lại "google" tiếp xem sao. Đương nhiên là tìm tiếng Anh chứ tiếng Việt thì cái quái nào chẳng bị quy là dấu hiệu còi xương, thiếu canxi ầm ĩ.

Kết quả là gần như cóc có thông tin nào về chuyện thiếu canxi gây rụng tóc, nhất là tóc vùng sau đầu, hình vành khăn ở trẻ nhỏ trong khoảng từ 0 - 6 tháng. Một số thông tin về canxi và rụng tóc thì ở người lớn nhiều hơn. Rụng tóc ở trẻ thực ra cực kì, bình thường.

Thật tình mình vẫn không hiểu sao vụ rụng tóc lại bị quy cho là thiếu canxi.
Giờ kệ bạn con, tuy vậy thì dù hiếm nhưng không loại trừ một số bệnh lý gây rụng tóc. Vấn đề là ở Việt Nam, nhà nghèo như nhà mình biết tin vào bác sĩ nào để biết chính xác tình hình của con. Haizzz, rất chán.

Link tham khảo:
http://www.babycenter.com/0_hair-loss-in-babies_85.bc?showAll=true

Friday, July 17, 2015

Nuôi con và facebook

Dạo này facebook xô bồ quá, các phe phái đánh nhau kinh quá làm mình lại phải chui vào góc viết post :))))

Mình cũng thuộc loại nuôi con theo “mạng” nhiều: babycenter, netmun, askdrsears, webmd, Kellymom… và hẳn nhiên, có facebook. (Có lẽ vì cậy khả năng tiếng Anh làng nhàng nhưng cũng đủ đọc)

Không phủ nhận luôn là mình học được rất nhiều ở facebook, 
             join hội này nhóm kia tá lả. 
                      follow người này người kia.
Nhưng facebook cũng như mạng truyền thông, thông tin cũng là tá lả. Đọc để chọn lọc được cũng phải có kĩ năng ghê lắm. Và càng đọc càng thấy kĩ năng nên học nhất là cai facebook luôn :))

Nói trắng ra nhờ có fb con mình mới được bú sữa mẹ hoàn toàn từ khi sinh ra, mới được ngủ đủ từ khi sinh ra, mới được ăn uống một cách khoa học (nhất có thể, với mình) và hưởng niềm vui ăn uống, mới ốm đau chưa cần dùng thuốc (Ờ bạn ý còn nhỏ, giờ mới tạm thế), nên có lẽ mình cũng chẳng cai đâu :P

Tuy nhiên, phần nhiều khi đọc được một cái j mình thấy hay hay trên fb thì mình cũng google nó tá lả lên luôn để đọc thêm thông tin, cả bằng tiếng Anh và tiếng Việt, chọn đọc nhiều một chút ở các trang web uy tín, tìm đọc sách chính thống nếu có điều kiện.
Mình cũng chẳng dám chắc là mình làm đúng :( (Tại làm quái gì có thời gian đi nghiên cứu lại Hờ hờ) nên tốt nhất là chọn nguồn uy tín, tin tưởng được, giải thích phù hợp với những gì mình được học (học sinh cũng có cái lợi nhất định), có dẫn chứng nghiên cứu khoa học thêm càng tốt.

Những nguồn tin trên fb nói riêng và trên internet nói chung, và kể cả sách, (nói thêm là sách nuôi dạy con cũng nhan nhản đủ thể loại từ Nhật, Mỹ, Pháp.......cũng hoa mắt cực kì) mình cũng đều không làm theo hoàn toàn. Cái nào mình thấy đúng, thấy phù hợp với bản thân, gia đình, phù hợp với con, thì mình làm, góp nhặt chỗ này thông tin này, chỗ khác thông tin khác. 

Mình cũng thấy rất phục các mẹ admin và các thành viên trong các nhóm. Các mẹ dành thời gian đọc bài, tư vấn rất nhiều, chia sẻ rất nhiều. Mình thực sự rất cảm ơn vì nhờ các mẹ mình mới tiếp cận được với những thông tin bổ ích về nuôi dạy con. Bản thân mình cực kì tự ti, mình không bao giờ dám đứng ra nói này nói nọ, căn bản vì sợ sai, và cũng vì quan điểm không đánh giá can thiệp vào chuyện người khác. Nhiều khi cũng thấy hơi buồn vì mình cũng học được nhiều từ người ta, sao không share rộng rộng chút, kiểu mình đã được người giúp thì cũng nên giúp người để "tích đức" ý. Nhưng phải cái tính mình không phải vậy. Cũng buồn. Không biết chia sẻ mà. Thi thoảng cũng có bạn hỏi, mình đi hỏi bạn thì chat chit gọi là chia sẻ tí thôi. Thi thoảng cũng có viết post đặng ghi lại kinh nghiệm cho đứa sau (nếu có) hoặc là để ghi nhớ lại chút thôi.

Nói thật là mình thấy mình cũng thuộc dạng đói thông tin chính thống. Hoặc giả cũng không tin "thông tin chính thống" của nước nhà lắm.

Thế nên là mình cũng khá là buồn khi những nguồn thông tin mình follow trên fb đả kích, hạ bệ lẫn nhau, cãi chửi nhau ỏm tỏi. Tự hỏi sao người ta không góp ý, đính chính, cung cấp thông tin một cách rõ ràng cho mọi người đều biết. 
À không, có có, người ta cũng viết sách để cung cấp thông tin chính thống đấy chứ. Nhiều sách lắm :((((((((((

Nhưng nghĩ đi cũng phải nghĩ lại. Các thành viên một hội, nhóm trên fb, thực ra là các bà mẹ nhiều khi phe phái một cách cực kì. Đã vào hội, đã tin vào hội là thôi xong, cứ có vấn đề gì là sẵn sàng nhảy lên, xù lông bảo vệ hội ngay, đâm ra mới thành cãi nhau này nọ. 

Chẳng có ai như mình, đọc xong, vui lắm, buồn lắm ngồi viết post ở một xó chẳng có ai ngó ngàng tới. 






Monday, July 13, 2015

Chuyện con ốm

Nhân chuyện con của bạn đang ốm mình cũng viết lại tí để ghi nhớ.

Bạn con ốm lần đầu vào khoảng tháng 7.
Tự nhiên sáng hôm đấy nóng lên, mình tưởng do mình bế lên đắp chăn ủ nóng quá nhưng trưa vẫn không hạ, thậm chí sốt cao hơn.
Đến trưa nàng ăn là nôn. Tối hầm hập gần 39 độ.
Đêm, sáng hôm sau thì đỡ. Mình tưởng khỏi, ai dè trưa nàng ăn lại quấy, nôn. Chiều lên đến 39 độ 5. Gọi bác sĩ qua khám thì bác bảo sốt virus. Thôi thế là xác định chiến đấu.

Mình thuộc dạng không thích dùng thuốc.
Bác sĩ kê hạ sốt, điện giải và vitamin thì mình chỉ mua hạ sốt và điện giải. Vitamin thì do bú mẹ nên mình không chủ trương cho dùng. Hạ sốt mua phòng trừ dùng khi cần thiết (nhưng cuối cùng cũng không dùng). Điện giải nhiều nơi bảo bú mẹ là đủ nhưng con mình trên 6 tháng, đã ăn dặm, sữa mẹ cũng phần nào giảm nên quyết định vẫn dùng, với lại nói chung ốm thì rất cần nước vì cơ thể nóng mà.
Trộm vía con bé bú mẹ được, chịu uống nước nên không sao.

Ghi chú một số đường link:
Cơ bản về sốt ở trẻ nhỏ
http://www.babycenter.com/0_fever-in-babies_84.bc
http://www.babycenter.com/0_fever-in-babies-7-things-you-might-not-know_10373598.bc
Sốt co giật từ fb bác sĩ Trí Đoàn
https://www.facebook.com/notes/doan-nguyen/s%E1%BB%91t-co-gi%E1%BA%ADt-%E1%BB%9F-tr%E1%BA%BB-em/571631716203872
Bác sĩ nhi, fanpage Nuôi con không phải là cuộc chiến
https://www.facebook.com/notes/nu%C3%B4i-con-kh%C3%B4ng-ph%E1%BA%A3i-l%C3%A0-cu%E1%BB%99c-chi%E1%BA%BFn/danh-s%C3%A1ch-c%C3%A1c-b%C3%A1c-s%C4%A9-%E1%BB%95n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-c%C3%A1c-m%E1%BA%B9-review-th%C6%B0%E1%BB%9Dng-xuy%C3%AAn-c%E1%BA%ADp-nh%E1%BA%ADt/629543837099140/?_rdr=p
Mình thì khám bên Bác sĩ gia đình Hà Nội. Cũng được đó.

Nói chung là mình cứ ôm con cho bú, cho nghỉ ngơi suốt. Lau mát hạ sốt, chườm miếng dán hạ sốt.
Có một điều nữa là mình đọc được nữa là cho con uống nước lạnh để hạ nhiệt độ bên trong, chứ không chỉ chườm mát để hạ nhiệt độ bên ngoài. Chồng mình thì lo bị viêm họng nhưng mình cũng vẫn cho uống :)
Tuy vậy cũng vẫn phải nhấn mạnh rằng sốt là tốt. Sốt là phản ứng của cơ thể "chiến đấu" lại các tác nhân gây bệnh nên thực ra sốt không đáng lo. Sốt cao quá thì mệt con nên tìm cách hạ sốt thôi.
Sốt xong là đi phân lỏng xì xoẹt 1 ngày, phát ban đâu tầm  2 - 3 ngày nữa.

Tạm thời vì bạn con chỉ mới sốt virus nên tạm thời ghi chú đến vậy. Lúc nào có j khác sẽ ghi chú tiếp.
(Nó đang kêu u u...., không cho viết)

Thursday, April 23, 2015

Review ngắn gọn một số sách

Trước tiên nói qua về sách, nói nôm na là sách dạy làm cha mẹ. Một số người, như chồng mình chẳng hạn, không tin vào mấy quyển sách cho lắm, tin vào bản năng hơn. Một số người như mình, mua, không đến nỗi một đống, nhưng cũng một “ít”. Chắc vì bản năng làm mẹ hơi thấp :P
Tuy nhiên đọc sách là để biết, để hiểu, để chọn cho mình một hướng đi phù hợp, cho cả mẹ, cả con, cả gia đình, chứ không phải cứ nhất nhất làm theo sách này, sách nọ.
Ăn, ngủ, chơi, ị, tè. Có vài việc đấy thôi mà nhiều phương pháp lắm. Lựa chọn nào là thuộc về từng gia đình thôi.

1.      Nuôi con không phải là cuộc chiến. Hachun Lyonet, Mẹ Ong Bông, Bubu Hương. Nxb Thái Hà
Đây là quyển đầu tiên mình mua, từ khi mang bầu lận. Bản thân mình thấy những khái niệm như EASY, Wonder Weeks, Baby led weaning… thì tốt nhất nên tìm sách gốc đọc. Những hướng dẫn sẽ cụ thể hơn, đầy đủ hơn, cơ bản hơn. Tuy vậy sách cũng tập hợp những khái niệm cơ bản cần thiết để còn biết đường tìm về quyển gốc :)) Nói chung là cũng được. Ngoài ra, quyển này tập hợp kinh nghiệm là nhiều nên hãy đọc để biết rõ hơn quá trình thực hiện cần chú ý cái gì, rút kinh nghiệm. Rồi lên trang fanpage trên facebook đọc thêm về một loạt các kinh nghiệm của các mẹ nữa.
Nuôi con thì mỗi ngày mỗi lớn, mỗi ngày mỗi khác. Nó ngoắt sang đường nào chẳng biết nên đọc trước để chuẩn bị tinh thần.

2.      Nghệ thuật chăm con (dịch từ Secrets of the baby whisperer). Traycy Hogg & Melind Blau. Nxb Lao Động
Traycy Hogg thì cô “nổi tiếng” rồi :P
Nói chung sách cơ bản về trẻ, nuôi dạy trẻ. Các ông bố bà mẹ nên tìm đọc đầu tiên trước khi có con để chuẩn bị.
Tuy nhiên, tác giả không ủng hộ việc chăm con theo nhu cầu của bé, cô cũng cho rằng đứa trẻ là một thành viên trong gia đình, vì thế cũng cần được đối xử như các thành viên khác, được tôn trọng nhưng không đặt cả gia đình xoay xung quanh bé, bé không phải là “cái rốn của vũ trụ”, nôm na vậy. Điều này có thể khiến nhiều ông bố bà mẹ không đồng tình vì đối với họ con cái luôn là nhất, luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, lịch trình EASY cô đặt ra thực sự phù hợp với những gia đình có con nhỏ mà không có ai/ít người giúp đỡ, bé cũng được sinh hoạt theo một lịch trình phù hợp trong một ngày từ nhỏ nên tạo được thói quen tốt hơn sau này.
Tác giả còn đưa ra tính cách của mỗi bé và cách áp dụng cho từng bé. Khá hay cho cả trường hợp nuôi con theo nhu cầu hay theo bất cứ cái gì.
Mặc dù không theo EASY nhưng mình học được rất nhiều qua cuốn sách, để hiểu con rõ hơn.

3.      Tuần khủng hoảng (Dịch từ The Wonder Weeks của Hetty van de Rijt và Frans Plooij. Nxb Lao động – xã hội.
Như đã từng nói qua về Wonder Weeks, cuốn sách nói về những gì con có thể làm được trong 20 tuần đầu tiên của cuộc đời. Sách có checklist những dấu hiệu, hướng dẫn những trò chơi, đồ chơi giúp bé phát triển kĩ năng… cũng nên có để giúp đỡ con phát triển, đồng thời giảm nhẹ sự cáu gắt của bé trong những ngày này.

4.      Phương pháp ăn dặm Bé chỉ huy (dịch từ Baby Led Weaning). Gill Rapley & Tracey Murkett. Nxb Lao động – xã hội.
Một phương pháp ăn dặm khác biệt với phương pháp cháo bột truyền thống. Hiện nay đã trở thành phong trào rồi cũng nên :)))
Nói chung là mình chọn cách này nên đọc sách này. Cho bé tự ăn, tự lựa chọn mình ăn gì, ăn bao nhiêu, học cách điều khiển tay, học về màu sắc, mùi vị…, dạy cha mẹ về chữ “Nhẫn”, cách tôn trọng con khi ăn (không ép buộc, điều mà cũng đã trở thành truyền thống)…. Không lích kích cầu kì, rẻ tiền =))))))))))
Mình đã từng là đứa chịu trận ép ăn, ăn rong, ăn chậm, ngậm chảy nước nên nói thật mình không muốn con mình và bản thân mình phải chịu đựng những cảnh như vậy.

5.      The baby whisperer solves all your probems. Traycy Hogg & Melind Blau. File mềm
Quyển này khá là hay sau quyển “Secrets…” của cô Traycy. Nhiều trường hợp và cách xử lý cụ thể hơn. Có cả phần luyện đi tolet, hay còn gọi là xi tè :P Sau khi đọc xong quyển 1 thì nên đọc quyển 2. Có thể bỏ qua quyển 1 và đọc quyển 2 cũng được :P

6.      The no-cry sleep solution. Elizabeth Pantley. File mềm

Mình cực thích quyển này. Căn bản là nó phù hợp với bản thân vì mình chọn luyện ngủ theo no-cry. Cơ bản về giấc ngủ, giờ ngủ. Làm thế nào để dần dần cai ti để ngủ, để bé ngủ xuyên đêm trong cũi cũng như ngủ chung với bố mẹ, để bé tự ngủ và có thể ngủ lại sau khi thức dậy giữa đêm,…. Kể cả giúp mẹ ngủ lại sau những đêm dài mất ngủ.